Hôm nay0
Tháng này0
Năm này0
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TU của Tỉnh ủy và Phương án tổng thể số 4629/PA-UBND của UBND tỉnh; trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Lâm Đồng thực hiện sắp xếp 03 ĐVHC cấp huyện và 10 ĐVHC cấp xã. Sau sắp xếp giảm 02 ĐVHC cấp huyện và 05 ĐVHC cấp xã; số ĐVHC cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp còn lại, cụ thể: ĐVHC cấp huyện: 10 đơn vị (gồm 08 huyện, 02 thành phố); ĐVHC cấp xã: 137 đơn vị (gồm 106 xã; 18 phường, 13 thị trấn).
- Đối với cấp huyện: Sắp xếp 03 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên thành 01 huyện
- Đối với cấp xã:
+ Nhập xã Triệu Hải vào xã Quảng Trị thuộc huyện Đạ Tẻh.
+ Nhập xã Quảng Lập vào xã Pró thuộc huyện Đơn Dương.
+ Nhập các xã: Đoàn Kết vào xã Đạ P’loa, xã Hà Lâm vào xã Phước Lộc, xã Đạ Tồn vào xã Đạ Oai thuộc huyện Đạ Huoai
Đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện: Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Đạ Huoai; huyện Cát Tiên và huyện Đạ Tẻh để thành lập đơn vị hành chính cấp huyện mới. Dự kiến tên gọi đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp gồm 02 phương án:
* Phương án 01: lấy tên là huyện Đạ Huoai (tên tiền thân trước đây khi chia tách thành 03 huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên năm 1979)
- Về ưu điểm:
+ Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 68-HĐBT ngày 06/6/1986 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Đạ Huoai thuộc tỉnh Lâm Đồng, trong đó chia huyện Đạ Huoai thành 3 huyện lấy tên là huyện Đạ Huoai, huyện Đạ Tẻh và huyện Cát Tiên, theo đó huyện Đạ Huoai, huyện Đạ Tẻh và huyện Cát Tiên có cùng nguồn gốc. Về nguồn gốc hình thành việc đặt tên đơn vị hành chính sau sắp xếp gắn với yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, gắn với giá trị tinh thần, niềm tự hào, tự tôn cộng đồng dân tộc, cộng đồng dân cư nơi sắp xếp, đồng thời phù hợp quy định tại Điều 6 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQ15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
+ Việc sáp nhập nguyên trạng các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên để hình thành một đơn vị hành chính mới không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân; đảm bảo về quy mô diện tích và dân số. Giao thông đi lại từ trung tâm các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên tương đối thuận lợi.
+ Việc lấy tên huyện Đạ Huoai sẽ giảm bớt khối lượng hồ sơ do điều chỉnh các thông tin liên quan của hơn 44.000 người dân huyện Đạ Huoai hiện nay (chiếm 1/3 số dân của huyện Đạ Huoai mới) về thực hiện các thủ tục liên quan đến việc thay đổi các giấy tờ của người dân như: Căn cước công dân, giấy khai sinh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép lái xe....
+ Tên huyện Đạ Huoai không thể hiện được dấu ấn, quá trình phát triển của 03 huyện từ khi thành lập (năm 1986) cho đến nay;
+ Tên gọi Đạ Huoai khó trong sử dụng văn bản, cập nhật dữ liệu thông tin; dễ gây nhầm lẫn trong sử dụng văn bản hành chính (viết, đánh máy sai tên...).
* Phương án 02: lấy tên là huyện Đạ Tiên
- Về ưu điểm
+ Vùng đất huyện Cát Tiên hiện nay gắn với điểm du lịch Vườn Quốc gia Cát Tiên, căn cứ của Khu ủy Khu VI trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thể hiện nét riêng có của huyện. Khu vực huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng ngày nay là một trong những căn cứ quan trọng của Khu ủy Khu VI trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với truyền thống hào hùng của quân và dân khu VI. Khu di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu VI đã được xếp loại cấp Quốc gia, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay.
+ Cát Tiên có một quần thể di tích có niên đại từ thế kỷ IV – X, ẩn chứa trong lòng đất nhiều bí ẩn của lịch sử, có nét đặt thù riêng, độc đáo mang đậm bản sắc văn hoá của cư dân và có mối quan hệ chặt chẽ với các nền văn hoá từ văn hoá Ấn Độ như văn hóa Chămpa, Óc Eo, với những giá trị đặc thù đó di tích Cát Tiên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 (Hội đồng Di sản quốc gia Việt Nam đang xúc tiến những bước đi cần thiết để đề nghị công nhận Cát Tiên là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới).
+ Tên huyện Đạ Tiên thể hiện sự gắn kết tên của 03 đơn vị hành chính 03 huyện, cụ thể là tên đầu của 02 huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh và tên cuối của huyện Cát Tiên, là sự kết hợp giữa từ “ Đạ” trong văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số; chữ “Tiên” trong tiếng Việt mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, gắn với địa danh huyện Cát Tiên hiện nay nhằm phát huy về giá trị văn hóa của người dân tộc thiểu số bản địa.
- Về hạn chế
+ Khi lấy tên đơn vị hành chính huyện (Huyện Đạ Tiên) cần có nhiều thời gian để tuyên truyền và vận động Nhân dân hiểu được ý nghĩa và tên gọi của đơn vị hành chính mới.
+ Việc đặt tên mới khác so với phương án 1 sẽ dẫn đến phải điều chỉnh thêm các giấy tờ có liên quan của người dân của huyện Đạ Huoai hiện nay (hơn 44.000 người) và thương hiệu, mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tên Đạ Huoai phải thay đổi do thay đổi tên đơn vị hành chính mới dẫn đến việc xuất khẩu sản phẩm, giao dịch thương mại trên thị trường trong nước và thế giới gặp khó khăn nhất định.
Qua xem xét và phân tích tên huyện Đạ Huoai và tên huyện Đạ Tiên sau khi thực hiện sáp nhập, mỗi tên đều có những ưu điểm riêng biệt để so sánh và cũng có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên để đảm bảo phát huy quyền làm chủ thực sự của Nhân dân, sẽ đưa cả 02 tên: Đạ Huoai và Đạ Tiên để tổ chức triển khai lấy ý kiến của Nhân dân trong thời gian 03 ngày từ ngày 17/8/2024 đến ngày 19/8/2024.