Hôm nay0
Tháng này0
Năm này0
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có quy mô nhỏ thành đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn sẽ tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, vị trí địa lý để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng...Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ tạo ra thay đổi tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước.
Theo đó, giai đoạn đến năm 2025, Hoàn thành sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có cả diện tích tự nhiên và dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích tự nhiên dưới 20% và dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị.
Qua công tác sáp nhập 10 xã thành 05 xã giai đoạn 2019 – 2021 tại 03 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 833/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng đã cho thấy rất phù hợp, rất thuận lợi, đến nay, gần 3 năm sau thời điểm sáp nhập thì bộ máy cán bộ đã được sắp xếp, bố trị ổn định; số cán bộ, công chức không còn tiếp tục tham gia công tác đã được hưởng chế độ theo quy định. Đối với nhân dân, về cơ bản đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội không có gì xáo trộn; tên thôn, tên tổ dân phố và phong tục tập quán ở khu dân cư nào đều được giữ gìn nguyên vẹn tại khu vực đó; nhân dân yên tâm xây dựng cuộc sống và tham gia các hoạt động phong trào văn hóa - xã hội; tiếp tục phong trào xây dựng Nông thôn mới và Nông thôn mới nâng cao ở xã mới sau sáp nhập; duy chỉ có xáo trộn nhỏ về mặt giấy tờ hành chính của công dân và hộ gia đình đang được cơ quan chức năng gấp rút hoàn thiện, trong đó ưu tiên trước hết cho người đi học, đi làm và hộ gia đình chính sách.
Mặt khác, sau sáp nhập các xã giai đoạn năm 2019 - 2021 dân số và số tổ dân phố, số thôn của cấp xã mới tăng lên, việc tổ chức hoạt động phong trào văn hóa – thể thao cho nhân dân trong xã được tổ chức quy mô hơn, tạo được không khí lễ hội hoành tráng hơn trước khi sáp nhập. Về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ công chức cấp xã cũng được cải thiện nhiều hơn, so với trước khi sáp nhập thì nhà nước phải đầu tư cho 2 đến 3 cơ sở, thì sau sáp nhập chỉ phải đầu tư cho 01 cơ sở duy nhất; chế độ chính sách cho cán bộ, công chức cũng vì thế mà tăng lên theo lộ trình của nhà nước. Việc tinh gọn được bộ máy cán bộ, công chức sau sáp nhập cũng giúp nhà nước tiết kiệm được một lượng ngân sách to lớn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội. Với những kinh nghiệm từ giai đoạn 2019-2021 và những lợi ích của công tác sáp nhập, chúng ta hãy đặt niềm tin rằng việc sáp nhập đơn vị hành chính mới giai đoạn 2023 - 2025 sẽ tạo một bước tiến mới, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội - văn hóa một cách toàn diện, tập trung, hiệu quả, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Hiền Hậu